Xây nhà tầng cho… rau

hoala.vn - Với “Công nghệ tối ưu sản xuất rau an toàn cho mọi nhà”, ông mong muốn sẽ “xây nhà tầng cho rau”. Mỗi gia đình từ nông thôn đến thành thị đều có thể tự sản xuất rau an toàn, đặc biệt là những hộ gia đình sống trên nhà cao tầng, chỉ có ban công hoặc sân thượng đều có thể ứng dụng để sản xuất nhiều loại rau an toàn quanh năm.

Hoa lạ - hoa đẹp >>
Hoa leo - hoa rủ >>

Hạt giống hoa, hạt giống rau >>

    Đây không chỉ đơn thuần là một ý tưởng. Đây còn là khát vọng sống còn của một nhà khoa học nông nghiệp luôn trăn trở làm sao để ngày càng có nhiều hộ gia đình Việt Nam từ thành thị cho tới nông thôn có thể làm chủ hoàn toàn một công nghệ đáp ứng được nhu cầu rau an toàn trong hoàn cảnh “đất chật, người đông” như hiện nay…

    Nhìn ngắm những luống rau quả xanh ngút ngát trong tiết trời lất phất mưa xuân, chủ nhân của công nghệ này, tiến sỹ Hồ Hữu An như sảng khoái và hồ hởi hơn khi chia sẻ về “chuyện đời, chuyện nghề” cùng những “quả ngọt” thành công trên suốt chặng đường chinh phục khoa học của ông…      

Xây nhà tầng cho rau | hoala.vn

Tiến sỹ Hồ Hữu An bên những “quả ngọt” thành công


Gắn bó “nghiệp nhà nông” trên xứ sở hoa hồng
    Xuất thân trong một gia đình họ Hồ quê gốc ở huyện Quỳnh Lưu nhưng tiến sỹ Hồ Hữu An lại sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xã Bạch Ngọc, huyện Đô Lương, Nghệ An với thời thơ ấu là cả một chuỗi ngày sống trong rơm rạ nghèo khổ. Cậu học trò nghèo đều đặn sáng cắp sách đến trường, chiều đi cày đi bừa, làm cỏ, gánh phân, chăn trâu, cắt cỏ… cách nhà 7-8 cây số, có những hôm còn phải lên rú (núi) chặt củi bán lấy tiền ăn học. Sống trong những ngày cơ cực gian khổ, cậu những mong học thật giỏi để thoát nghèo.

    Năm 1968, học hết lớp 10, vốn có thiên hướng sở trường các môn tự nhiên cùng ước nguyện của thầy giáo chủ nhiệm, Hồ Hữu An tự tin nộp đơn dự tuyển vào ngành Vô tuyến điện và ngành chế tạo máy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

    Với học bạ sáng sủa, ông nhanh chóng được “chấm” vào danh sách những “hạt giống đỏ” để gửi sang nước ngoài học tập. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi tập trung lên Hà Nội, ông ngỡ ngàng biết rằng mình nằm trong diện được phân công đi học ngành Nông nghiệp tại Bungari.

    Sang tới xứ sở hoa hồng, học tiếng được một năm, ý định chuyển sang ngành học khác vẫn ám ảnh, thôi thúc trong ông. Ít ai ngờ được tại thời điểm bấy giờ, một cậu học trò măng tơ chân ướt chân ráo đã đánh bạo lên thẳng Đại sứ quán Việt Nam để xin chuyển ngành học. Nhưng sau khi được cán bộ đại sứ quán thuyết phục về vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp trong hoàn cảnh đất nước còn gian khó, ông tạm bằng lòng và rồi miệt mài say mê với ngành nông học từ lúc nào không biết.

Hân hoan bên những cây xà lách khổng lồ
    Sau những năm miệt mài đèn sách tại Đông Âu, ông quay trở về nước công tác tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rồi sau đó là giảng viên Trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội, vừa giảng dạy vừa say sưa với công tác nghiên cứu khoa học.

    Sau 10 năm công tác tại Việt Nam, ông được tiếp tục sang Bungari để thực tập khoa học và làm nghiên cứu sinh chính quy từ năm 1987-1989 và đã bảo vệ xuất sắc luận án PTS. Sau một năm ở lại làm cộng tác viên khoa học, ông quyết định trở về nước tiếp tục hành trình chinh phục những đỉnh cao khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hai lần trên đất Mỹ
    Năm 1997, ông được một trường đại học của Mỹ mời sang hợp tác nghiên cứu khoa học trong thời gian 2 năm về lĩnh vực công nghệ trồng rau, chọn giống, nhân giống…đặc biệt là công nghệ rau an toàn. Từ chuyến đi này, cuộc đời và sự nghiệp khoa học của ông mở sang một trang mới với nhiều kỷ niệm không thể nào quên.

    Lần đầu đặt chân sang đất Mỹ, bỡ ngỡ nơi đất khách quê người và chứng kiến môi trường làm việc hiện đại với những labo thí nghiệm quy mô rộng lớn, ông cảm thấy choáng ngợp và canh cánh một nỗi lo có học mà chưa có hành.

    Khi thời gian chuẩn bị kết thúc, ông được vị giáo sư hướng dẫn đề tài giao nghiên cứu và quản lý công nghệ sản xuất rau an toàn không dùng đất. Lo lắng vì chưa có kinh nghiệm xong ông tự nhủ phải xắn tay vào làm bởi đây là cơ hội hiếm có khi chưa có ai nghiên cứu lĩnh vực rất hữu ích này tại Việt Nam.

    “Bài toán” đầu tiên là thử nghiệm ghép cây dưa hấu với cây bầu. Lúc đầu ông hơi bất ngờ pha chút lưỡng lự: Thân thảo mềm như vậy làm sao ghép được!? Hơn nữa chính vị giáo sư tiết lộ đã tiến hành nghiên cứu nhưng chưa thành công. Dù vậy ông vẫn quyết định nhận làm đề tài và mạnh dạn đề xuất thêm 2 phương pháp ghép mới.

    Với đôi bàn tay nhỏ nhắn và khéo léo của người Việt Nam, có những hôm, ông miệt mài ghép được khoảng 300 cây, con số khiến vị giáo sư Mỹ phải kinh ngạc. Tuy nhiên “vạn sự khởi đầu nan”, chỉ sau mấy hôm, những cây ghép bắt đầu héo vàng và chết dần. Thất bại! Sau vài lần như vậy, ông lại lên thư viện mày mò những tài liệu liên quan rồi kiên trì thử lại. Qua nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng công việc đã có kết quả vượt ngoài mong đợi khi những thân cây ghép sống được và sống tốt.

    Sau thành công bước đầu này, ông và các cộng sự người Mỹ đã đưa cây ghép từ nhà kính ra trồng ngoài đồng. Có những gốc ghép cho quả to và dài, nặng tới 52-53 pound (khoảng 24-25 kg), hàm lượng đường rất ngọt. Đề tài thu hút báo chí địa phương đến đưa tin, gây sự chú ý của dư luận và sinh viên toàn trường. Tổng kết cuối năm, đề tài ông thực hiện được lựa chọn để đăng trên tạp chí khoa học của nhà trường.

    Công việc đang hứa hẹn nhiều thành công mới thì thời gian hợp tác đã hết. Ông trở về nước và bắt đầu tự xoay xở với đồng lương giảng viên ít ỏi để duy trì nghiên cứu và thử nghiệm trên một diện tích nhỏ.

    Một năm sau khi về nước, như một sự run rủi, chương trình học bổng Fullbright lại chắp cánh tiếp sức cho ông được “tung hoành” trên đất Mỹ. Sang Mỹ lần này, ông nung nấu tâm huyết chỉ tập trung vào một mũi nhọn duy nhất đó là công nghệ cao trồng rau không cần đất và xác định sẽ làm đến nơi đến chốn. Với vốn kiến thức và kinh nghiệm tích lũy từ trước, ông nhanh chóng thích nghi và bắt kịp. Kết thúc chương trình Fullbright, ông nhận thấy đã tương đối tự tin với kiến thức và kinh nghiệm thu được. Nhưng vẫn còn đó day dứt vì có những thiết bị Việt Nam mình không có và không thể làm được.

    Do đó ông lại tự nghiên cứu, mày mò tìm hiểu cơ chế và nguyên lý hoạt động của hệ thống tưới nhỏ giọt rồi cùng các đồng nghiệp đưa ra những ý tưởng thay thế vừa rẻ, tốt, bền và phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước. Tất cả đều được ông “lập trình” nhưng làm thế nào để có thể phổ biến và áp dụng rộng rãi trên quy mô rộng khắp Việt Nam? Một hành trình trăn trở suy tư lại bắt đầu mở ra ở phía trước.

Đường tới thành công
    Năm 2000, về nước, ông viết ngay một “huyết tâm thư” với mong muốn đưa công nghệ này vào cuộc sống và tự hứa sẽ làm hết sức mình bằng danh dự và trách nhiệm để không hoài phí những năm học tập tại Mỹ. Ông photo bức thư làm nhiều bản và lúc nào cũng bỏ sẵn trong túi với hy vọng gặp ai đưa người đó.

    Sau đó ông “đánh bạo” lên Bộ Khoa học và Công nghệ đích thân gặp một đồng chí vụ trưởng, tự giới thiệu bản thân và công nghệ đồng thời bày tỏ mong muốn được đưa đề tài này vào chương trình nghiên cứu ứng dụng cấp Nhà nước.

    Sự tận tâm, nhiệt thành của ông đã được đền đáp. Ông nhận được thư mời của Bộ Khoa học và Công nghệ đến tham gia cùng Hội đồng khoa học để xét duyệt các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, trong đó đề tài “trồng rau không cần đất” là một trong những đề tài được chọn. Sau đó ít lâu ông đã “trúng thầu” nghiên cứu khoa học cấp nhà nước với đề tài “Trồng rau không cần đất”.

Lần đầu làm chủ nhiệm đề tài cấp trọng điểm nhà nước với kinh phí 2 tỷ đồng, ông tự vấn: Với đồng lương ít ỏi hàng tháng mình cũng không quản lý nổi, phải đưa cho vợ quản lý hộ, nay cầm số tiền lớn thì quản lý làm sao để vừa đúng mục đích, vừa giải được “bài toán” mà Nhà nước đã giao? Dù có vốn kiến thức vững vàng nhưng việc tổ chức thực hiện như thế nào, “đứng mũi chịu sào” ra sao khiến ông vô cùng bỡ ngỡ.

    Rồi nữa, trong quá trình làm việc thời gian đầu, có những lúc ông phải “đập bàn đập ghế”, phải “nắn gân” trước những ý định lợi dụng khoa học để “làm tiền”. Ông bảo làm khoa học không thể “sống theo lũ” được. Chỉ cần cẩu thả một cái là chết ngay!

   Rồi đâu cũng vào đấy. Đầu tiên ông tiến hành cùng cùng cộng sự tổ chức chuyến đi xuyên Việt để nắm bắt thông tin xem đã nơi nào “ngó ngàng” đến lĩnh vực này chưa, làm đến mức độ nào, làm cái gì và đạt kết quả gì chưa? Sau khi hoàn chỉnh về thiết bị, ông và các cộng sự bắt đầu triển khai. Sau 2 tháng, kết quả thành công ngoài mong đợi. Tại hầu khắp các nơi, ông liên tục tổ chức hội nghị “trong nhà lưới”, mà xưa nay mọi người vẫn thường quen gọi “Hội nghị đầu bờ”. Ông đùa: Vì là công nghệ không cần đất nên không có “đầu bờ” để làm hội nghị.

   Đi đến đâu thử nghiệm, công nghệ cũng được đón đợi và đem lại thành công tốt đẹp. Do đó, lẽ ra năm 2005 đề tài mới được nghiệm thu thì năm 2004 đã công bố thành công. Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá đây là đề tài có một không hai từ trước đến nay vì chưa có một đề tài nào nghiệm thu thành công trước thời gian như vậy.

    Năm 2004, tại chợ công nghệ Techmart Hải Phòng, chỉ nghĩ đơn thuần tham gia cho vui, ai ngờ với cách làm mới, gian hàng công nghệ trồng rau không cần đất của ông đã thu hút được rất nhiều người quan tâm. Đặc biệt, đã ký được nhiều Biên bản ghi nhớ chuyển giao công nghệ trị giá lên đến gần 20 tỷ (trong tổng số 30 tỷ đồng của toàn Hội chợ). Ông hoàn toàn bất ngờ với thành công đầu tiên để rồi sau đó liên tiếp nhận được lời mời tham gia các hội chợ công nghệ bởi gian hàng trưng bày công nghệ trồng rau không cần đất luôn là một “kép chính” thu hút khách tham quan.

    Năm 2009, Tiến sỹ Hồ Hữu An công bố thành công công nghệ thứ 2 với tên gọi đầy đủ: “Công nghệ tối ưu sản xuất rau an toàn cho mọi nhà”. Tại Chợ công nghệ ASEAN +3, gian hàng của ông lúc nào cũng chật ních người đến tham quan và lần đầu tiên trong lịch sử qua các lần Hội chợ, gian hàng trình diễn công nghệ này đã ký được những biên bản ghi nhớ chuyển giao công nghệ trị giá lên tới 74 tỷ đồng.

    Nếu tính cả hai công nghệ, từ năm 2004 đến nay ông đã ký được các Biên bản ghi nhớ chuyển giao công nghệ trị giá trên dưới 200 tỷ đồng. Con số ấn tượng không chỉ nói lên sự quan tâm rất lớn với công nghệ mới mà còn chứng tỏ nhu cầu cấp bách của người dân trong lĩnh vực rau an toàn.

    Ông bộc bạch: Từ sau những lần đi “chợ công nghệ” mới thấu hiểu được nhu cầu thực sự của người dân và biết họ đang cần gì ở nhà khoa học. Từ những câu hỏi của thực tế cuộc sống, người làm khoa học phải biết nắm bắt để đáp ứng, phục vụ kịp thời.

Với “Công nghệ tối ưu sản xuất rau an toàn cho mọi nhà”, ông mong muốn sẽ “xây nhà tầng cho rau”. Mỗi gia đình từ nông thôn đến thành thị đều có thể tự sản xuất rau an toàn, đặc biệt là những hộ gia đình sống trên nhà cao tầng, chỉ có ban công hoặc sân thượng đều có thể ứng dụng để sản xuất nhiều loại rau an toàn quanh năm. Với công nghệ này, có thể tạo ra được khối lượng rau lớn từ 200-500 cây/m2 trong khi trồng ngoài ruộng chỉ trồng được 30 cây/m2. Tiến sỹ An vẫn đang tìm kiếm những đối tác để chuyển giao công nghệ một cách rộng khắp.

Hiện nay ông vẫn được Nhà nước cho cơ chế giảng viên cao cấp, ăn lương hàm giáo sư, đồng thời vẫn tiếp tục trách nhiệm của một nhà quản lý khoa học với vai trò là Trưởng khoa Công nghệ sinh học - nông thực phẩm - Trường đại học Thành Tây.

    Thời gian qua, ông đã tham gia hai chợ công nghệ với tư cách là trưởng đoàn và đã mang về được 2 bằng khen cho nhà trường, góp phần tích cực trong việc phát động phong trào nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất.

    Trong phòng ngủ, phòng làm việc, bất cứ không gian nào trong nhà ông cũng ngổn ngang những tài liệu khoa học, nguyên vật liệu của công nghệ. Ông bảo lúc nào cũng trong tư thế và tâm thế sẵn sàng công hiến, chứ không chỉ đơn thuần nghiên cứu để cho vào trong tủ, ngăn bàn, cặp sách. “Dù ở bất cứ môi trường nào, còn sức là còn cống hiến, không cống hiến chỗ này thì tôi sẽ cống hiến chỗ khác. Tất cả vì học sinh thân yêu và vì nhân dân phục vụ”, ông chân thành bộc bạch./.

    Công nghệ trồng rau không cần đất hoàn toàn không dùng đất, chỉ gieo và trồng trên các giá thể có sẵn như: hộp xốp, ống nhựa… nên không bị ô nhiễm các kim loại nặng, hoá chất bảo vệ thực vật, vi sinh vật có hại. Nguồn nước được lấy từ giếng không bị ô nhiễm các độc tố; quản lý được phân bón.

    Hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc bán tự động dưới dạng dung dịch theo thời gian và lưu lượng, giúp cây rau hút trực tiếp, đồng đều và tiết kiệm, đặc biệt trong những vùng hạn hán…
Sau mỗi vụ trồng, có thể trồng trực tiếp luôn mà không phải cày bừa, lên luống, làm cỏ như ngoài đồng ruộng, đồng thời có thể tận dụng được những diện tích không có khả năng canh tác mà vẫn tạo ra được sản phẩm năng suất và chất lượng cao.

 

Bài và ảnh Nguyễn Tiến Dũng

Top keywords Giá thể | Hoa tết | hoa anh đào | tree rose | chậu hoa treo | Cây hoa giống | Hạt giống | Xơ dừa | Cây văn phòng | Hoa trồng chậu | Hoa tử đằng | Cây cảnh phong thủy theo mệnh | Vườn trên mái | hoa hồng leo | Hoa leo | hoa dạ yến thảo | Dụng cụ làm vườn | kệ sắt mỹ thuật | Cây bóng mát | Hoa đẹp
Top