Nhắc đến cây trầu bà, mọi người thường hay nghĩ đến loại cây thân thảo dây leo quen thuộc gần giống với trầu không. Tuy nhiên, những năm gần đây, các loại cây họ Ráy (Araceae) nhập ngoại về nước ta chủ yếu từ châu Mỹ đang dần được biết đến và ưa chuộng nhiều hơn. Các loại cây này cũng được gọi với tên trầu bà, chúng có lá rất lớn và hình dáng lạ mắt, mang trong mình vẻ đẹp như bước ra từ những cánh rừng nguyên sinh.
Hãy cùng điểm qua một số loại trầu bà đặc biệt này mà Công viên thực vật cảnh Việt Nam cũng đang có nhé:
1. Trầu bà Nam Mỹ (Monstera Deliciosa)
– Đây có thể nói là loại tiêu biểu nhất cho thú chơi trầu bà cảnh (kiểng) hiện nay. Một loại trầu bà có lá rất lớn với vẻ đẹp đặc trưng, làm người xem nghĩ ngay đến những cánh rừng nguyên sinh Nam Mỹ.
– Lá của trầu bà Nam Mỹ khi trưởng thành màu xanh đậm, nhẵn bóng, có thể dài tới 0.8 – 1m, xẻ thùy hình lông chim, trên lá có những lỗ hình ovan.
– Khi trồng cây, nên tránh ánh nắng trực tiếp, tốt nhất là trồng trong nhà gần cửa sổ hoặc dưới tán các cây lớn. Cây mang đến vẻ đẹp vừa sang trọng nhưng cũng rất sinh thái cho ngôi nhà của bạn.
2. Trầu bà lá xẻ (trầu bà tay Phật – Philodendron xanadu)
– Loài cây này cũng có nguồn gốc từ châu Mỹ. Trầu bà lá xẻ mọc thành bụi nhỏ, có thân thảo.
– Lá cây nhỏ hơn khá nhiều trầu bà Nam Mỹ. Lá có cuống dài, màu xanh lục, tập trung ở đầu cành, chia thùy dạng lông chim. Cây phân cành thành rất nhiều nhánh, tỏa đều.
– Bạn có thể trồng làm cây nội thất văn phòng, hoặc trồng thành bụi ven các lối đi, dưới tán cây lớn, ven các hồ cá cảnh, non bộ tiểu cảnh…
3. Trầu bà cánh phượng (Philodendron selloum)
– Loại trầu bà này cũng có hình dáng tương tự trầu bà tay phật, chỉ khác ở cấu tạo lá. Lá của chúng xẻ sâu, các thùy lượn sóng nhìn giống như cánh chim phượng đang bay.
– Trầu bà cánh phượng cũng xuất xứ từ Nam Mỹ, nhưng chúng phát triển chậm hơn so với hai loại trên. Cây ngoài trời sẽ phát triển nhanh hơn cây trong nhà, và khi trồng bạn nên để cho chúng một không gian thoải mái.
4. Trầu bà đế vương xanh (Philodendron Imperial Green)
– Cây trầu bà đế vương xanh không có rễ phụ leo bám. Chúng là loại thân thảo mọc đứng, nổi bật với những chiếc lá cứng màu xanh lục, nhẵn bóng và hình giống với lá khoai nước nhưng có phần dài hơn.
– Những chiếc lá cứng cáp, dày dặn mọc từ thân lên và tỏa ra các hướng thể hiện cho quyền lực và sự may mắn. Chính vì vậy mà chúng được gọi với tên trầu bà đế vương.
5. Trầu bà đế vương đỏ (Philodendron Imperial Red)
– Chúng hoàn toàn giống với trầu bà đế vương xanh, chỉ khác là cuống lá và lá có màu huyết dụ sậm. Cũng có trường hợp mặt trên lá khi trưởng thành màu xanh đậm, còn mặt dưới và cuống lá màu huyết dụ.
Các loại cây được gọi với tên trầu bà ở Việt Nam rất đa dạng, thậm chí chúng còn không cùng chi thực vật với nhau. Việc tìm kiếm và tổng hợp thông tin một cách chính xác cũng tương đối khó bởi rất nhiều thông tin mơ hồ, không được kiểm chứng hoặc sai lệch. Bạn thích loại trầu bà nào nhất trong các loại kể trên? Hãy chia sẻ với chúng tôi nhé!
Công viên thực vật cảnh Việt Nam là đơn vị uy tín lâu năm, chúng tôi luôn không ngừng tìm hiểu để cung cấp thông tin chính xác và khoa học nhất đến với cộng đồng, nhằm nâng cao nhận thức về giá trị và ý nghĩa cây xanh với cuộc sống con người.
Nguồn ảnh: Internet
Bài viết: https://khamphaxanh.vn/kham-pha-xanh/tong-hop-mot-so-loai-trau-ba-co-la-lon-dep-va-la-mat-nguon-goc-tu-chau-my.html