Đá và cây trong tự nhiên luôn có mối ràng buộc và gắn bó mật thiết.
Con người luôn lấy cảm hứng từ tự nhiên vận dụng vào các bộ môn nghệ thuật và việc tạo tác vườn cảnh cũng không ngoại lệ.
Trong một vườn cảnh, cây và đá là 2 yếu tố không thể thiếu, luôn đi song hành cùng nhau. Vườn cảnh mô phỏng lại hệ thực vật trong tự nhiên: rừng cây, núi đá, gò đồi…. Vì vậy, khi hiểu được cách thức vận hành của các yếu tố tự nhiên (trong trường hợp này là cây, đất, đá…), chúng ta có thể bài trí và sắp đặt các yếu tố tạo nên một vườn cảnh có tính nghệ thuật cao và phát triển bền vững.
Xem bài viết: Ý nghĩa sự kết hợp giữa đá cảnh và cây xanh trong nghệ thuật vườn cảnh
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn một số thủ pháp phối hợp cây và đá trong vườn cảnh nghệ thuật.
Muốn tạo một vườn cảnh cùng với đá trang trí chúng ta cần lưu ý những đặc điểm sau của tự nhiên dưới tán rừng, sau đó áp dụng tương tự vào vườn cảnh của mình:
1/ Địa hình đất được tạo vẻ phức tạp về các cao độ khác nhau mới có vẻ của đồi, gò hoang dã nhiệt đới: Khi phối hợp cây và đá, bạn cũng cần tạo ra các tầng sinh thái của cây mọc trên đá, cây nào ở trên, cây nào ở dưới, sắp đặt chúng một cách hợp lý.
2/ Các hòn đá tảng đá dưới tán rừng cây thường bị phong hóa mạnh mẽ nên thường có khối nhẵn nhụi, độc lập hoặc theo nhóm: Trong vườn cảnh, bạn cũng nên sắp đặt các khối đá theo cách đó, giúp không gian vườn cảnh trở nên tự nhiên và hài hòa nhất.
3/ Tại chân các hốc đá thường lồi lõm, đất và lá mục thường dồn ứ lại nên tại đây cây xanh thường mọc lên dựa dẫm vào đá: Hiểu được điều này giúp bạn bố trí các loại cây một cách phù hợp. Chân khối đá là nơi đất giàu dinh dưỡng hơn, vì vậy khi trồng cây bạn cũng nên trồng quanh khối đá đó. Ví dụ: bên dưới cùng là các loại cây thảm, kế đó trên một chút là các loại cây bụi mọc cạnh khối đá…
4/ Tính cân bằng: cây không lấn đá, đá không át cây là cách trang trí hài hòa. Quá nhiều đá làm cho khu vườn tăng tính dương, mà lạm dụng cây xanh sẽ làm cho khu vườn nặng tính âm. Tự thân mỗi ngôi nhà hiện đại đang chứa năng lượng dương rất lớn. Vì vậy khi sắp đặt, chủ nhân và người nghệ nhân phải cân đối rất nhiều các yếu tố để tạo nên một không gian sống phù hợp, cân bằng.
Một số lưu ý để đảm bảo yếu tố cân bằng khi phối hợp cây với đá trong vườn cảnh:
– Thường đá nhiều thì cây ít, nhỏ, cây làm thảm nền cho đá. Đá ít thì cây nhiều đa dạng, cây là chủ thể.
– Đá dữ dội thì cây mềm mại, đá tròn mềm thì vẻ cây phải khỏe, chắc, vững.
– Đá thường là nền, là hồn cốt. Cây làm duyên, tạo sức sống và vẻ mượt mà cho khu vườn với đá.
– Đá lớn thì nên dùng các cây lá to hoặc nhóm cây bên cạnh dày dặn đủ trang trí, cây phát triển nhanh sẽ che phủ đá.
– Đá sáng màu, đá nhiều chi tiết nên trồng trang trí các loại cây có lá sẫm màu tươi tắn, lá và thân dáng chắc khỏe.
– Đá tối màu nên trồng cạnh nhóm những cây có lá xanh tươi nhẹ nhàng có sắc màu hoặc kiểu dáng lá độc đáo bắt mắt.
– …
Cây và Đá là câu chuyện muôn thuở nên thơ của núi rừng. Tùy từng điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của nghệ nhân, việc phối hợp thành công hai yếu tố này là sự hiểu biết lớn về thế giới tự nhiên và tình cảm của con người cô đọng trong một vườn cảnh vì vậy việc tạo lập ngôi vườn có nghĩa là trồng cây và bày đá, Cây và Đá: chúng ta cần tư duy mỹ thuật, sự hiểu biết về thế giới tự nhiên, giúp cho khu vườn có tính logic và sự bền vững.
Đá Và Cây – nghệ thuật thiên nhiên giúp cho ngôi nhà hiện đại thêm nền tảng thân thiện và lãng mạn. Cây xanh là hình thức yêu kiều, Đá cảnh là cốt cách mang dấu ấn nội hàm cho ngôi vườn cảnh.
Tính khác lạ và sự độc đáo của một tiểu cảnh”đá – cây” chính là năng lực và sự phát hiện về những viên đá, sắp xếp lại và mượn dáng cây, mẫu lá để tạo nên một chỉnh thể lạ mà hấp dẫn của nghệ nhân về một không gian mỹ thuật tự nhiên.
Nguồn: https://khamphaxanh.vn/kham-pha-xanh/thu-phap-phoi-hop-cay-va-da-canh-trong-vuon-nghe-thuat-do-thi.html