hoala.vn – Lan Móng rồng hay dây công chúa (Artabotrys hexapetalus)
Hoa lạ – hoa đẹp >>
Hoa leo – hoa rủ >>
Khi những tia nắng ban mai vàng hơn, sắc trời long lanh như một viên ngọc bích khổng lồ, khi lũ chim chào mào rủ nhau tìm quả chín thì cũng là lúc vườn nhà dìu dịu hương móng rồng. Cơn gió lãng du đưa mùi hương nao nức ấy trườn qua đám lá rậm rạp, ẩn trong nếp áo người qua lại như làm dịu đi cái nóng oi nồng đầu hạ.
Làng tôi vốn là một làng cổ nằm nghiêng nghiêng dọc bờ sông Cấm, quanh năm bồi lở phù sa và xanh um những trang, những đước làm rừng chắn sóng. Đứng trên con đê quai ngoài bãi khi trời chiều, bên kia sông là bến Cảng với những cầu tàu, cần cẩu vươn lên hối hả để nhìn những chuyến phà tấp nập đưa đón người qua lại mà thấy thêm quý thêm yêu những người dân quê mình thuần hậu một nắng hai sương vẫn bền bỉ bám đất, bám làng.
Vùng nước lợ ven sông khiến cây lúa cũng cằn, vậy mà chẳng hiểu sao loài móng rồng vốn kén đất, kén nước, kén nắng trời lại bén rễ, đơm hoa trên mảnh đất nghèo. Bà tôi, một phụ nữ mang nét đặc trưng của những người đàn bà miệt biển răng đen, tóc búi tó củ hành, áo nâu lam lũ, cả năm tất bật với phân gio, gà vịt… đã yêu quý, chăm chút cây móng rồng như thể đó là một thứ gắn bó máu thịt với mình. Bà thường bảo, cây cũng hiểu lòng người, dù trồng ở góc vườn hay cạnh bờ ao, chỉ cần đánh đất tơi xốp, ngày ngày tưới nước giếng trong thì cây vẫn có thể sống trên đất làng mình.
Tuổi thơ tôi là những tháng ngày chân đất chạy trên doi cát ven sông, đuổi bắt lũ còng còng chân đỏ hoặc theo bà đục hà, vớt hến. Những buổi chiều bà đi lễ, tôi thường kiếm cớ ở nhà rồi hì hụi chui vào bụi móng rồng vạch lá tìm từng nụ hoa nhỏ xíu, trắng xanh nép sâu trong nách lá. Và khi đàn chào mào láu táu bay về đậu trên cành bạch đàn đầu ngõ thì dứt khoát là hoa móng rồng đã nở. Chỉ có cái mùi hương không lẫn vào đâu được, cái mùi hương ngọt lành như hương chuối ngự ấy mới có thể đánh lừa được lũ chim tinh ranh về đây hóng hớt. Giữa đám lá cây xanh ngắt, từng bông hoa xanh non, mập mạp nhú lên như những con muồm muỗm đậu trên lá. Màu xanh non mỡn của hoa sẽ dần dần chuyển sang vàng nhạt, cánh hoa cong cong giản dị dịu dàng lan tỏa hương thầm.
Lớn hơn một chút, tôi và đám bạn gái cùng làng bắt đầu ngắt hoa móng rồng giấu vào ngực áo. Mùi hương ấy cứ quấn quýt với chúng tôi trên từng trang sách, sau mỗi bước đi và trong cả giấc mơ con trẻ. Kì lạ, loại hoa mộc mạc, sắc màu bình dị mà hương thơm quyến rũ ấy đã biến lũ trẻ chăn trâu lộc ngộc là chúng tôi trở thành thiếu nữ biết làm duyên bằng cành hoa quê kiểng. Con gái miệt biển vốn thô sơ mộc mạc, gắn bó với biển bằng tình yêu rất đỗi giản đơn liệu có thể như loài hoa kia âm thầm dâng hương trinh bạch?
Đôi lần tôi bắt gặp vài bụi móng rồng được trồng trong chậu cảnh, cũng dáng cây leo vấn vít ấy, cũng màu hoa ấy mà hình như hương hoa không còn nồng nàn, nao nức như khóm hoa bên bờ giậu nhà bà. Có lẽ móng rồng sinh ra là để mọc nơi vườn quê, cạnh lùm ngâu, bụi sói, khóm nhài… những loài hoa không sắc màu rực rỡ mà hương thơm đến nao lòng, mà gần gũi, gắn bó thân thiết với người dân quê tôi như tri kỉ.
Vân San
Wikipedia
Chi Móng rồng
Móng rồng hay dây công chúa (Artabotrys hexapetalus)
Phân loại khoa học
Giới (regnum): Plantae
Bộ (ordo):Magnoliales
Họ (familia): Annonaceae
Chi (genus): Artabotrys
Chi Móng rồng hay chi Dây công chúa (danh pháp khoa học: Artabotrys) là một chi thực vật chứa khoảng 100 loài cây sinh sống tại khu vực nhiệt đới Cựu thế giới, trong đó khoảng 31 loài tại châu Phi. Chi này là thành viên của họ Na (Annonaceae). Tất cả đều là cây gỗ nhỏ hay cây bụi với các móc cong ngược lại, có xu hướng mọc leo. Các lá đơn mọc so le, không lông. Hoa lưỡng tính mọc đơn lẻ hay thành cụm đối diện với lá, cuống dày và có móc. Hoa 6 cánh, có mùi thơm, chứa nhiều nhị. Mỗi bầu nhụy gồm 6 phần tách biệt, với mỗi phần dày cùi thịt.
Gieo trồng
Việc nhân giống được tiến hành bằng cách gieo hạt hay các cành giâm ngắn trong mùa xuân.