Hoa lạ – hoa đẹp >>
Hoa leo – hoa rủ >>
TS. Đinh Quang Diệp – Khoa Môi trường và Tài Nguyên – Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh cho biết năm 2011 ông và một số cộng sự gồm TS. Trần Hợp, KS. Trần Giỏi (Chi cục Lâm nghiệp Khánh Hòa) và Tổ Đa dạng sinh học (Khu BTTN Hòn Bà) đã tìm thấy một cây lan Vani có hình dáng lạ trong một chuyến khảo sát ở Khu BTTN Hòn Bà. Qua theo dõi, nghiên cứu và tìm hiểu, nhóm xác định đây có thể là một loài lan Vani mới ở Việt Nam.
Cá thể lan Vani được phát hiện ở độ cao trên 200m. Thân cây lan này có dạng dây leo, đường kính thân cỡ 7-8mm, dài khoảng 3-4m và phân nhánh, mang nhiều lá có phiến dày hình elip, mỗi lá có kích thước khoảng 15-20cm chiều dài và 6-9cm chiều rộng.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, nhóm nghiên cứu chưa thể định danh loài lan này vì chưa tìm thấy hoa. Tiếp tục theo dõi, mới đây, ngày 12/04/2012, anh Hồ Ngọc Quỳnh cán bộ Khu BTTN Hòn Bà đã phát hiện cây lan Vani này đang trổ hoa.
Sau khi nhận được nguồn tin và hình ảnh do Khu BTTN Hòn Bà cung cấp, nhóm nghiên cứu đã tra tìm tài liệu về các loài lan Vani, đồng thời tham khảo ý kiến của GS.TS. Leonid V. Averyanov (Viện Hàn lâm Khoa học Nga), chuyên gia hàng đầu thế giới về lan Việt Nam.
Theo GS.TS. L.V. Averyanov, đây là loài Vanilla shenzhenica Z.J.Liu & S.C.Chen được phát hiện và mô tả ở Thâm Quyến (Nam Trung Quốc) vào năm 2007. Trong một số tài liệu trước đây về lan Việt Nam như của TS. Gunnar Seidenfaden (1992), GS. Phạm Hoàng Hộ (1993) và GS. Trần Hợp (1998) hay GS.TS. L.V. Averyanov (2003) đều chưa thấy đề cập đến sự hiện diện của loài lan này. Có thể khẳng định rằng đây là lần đầu tiên loài lan Vani này được ghi nhận ở Việt Nam. Hiện nay, các chuyên gia đang thực hiện việc lấy mẫu và giám định lần cuối.
Chi lan Vani có tên khoa học là Vanilla. Trên thế giới có khoảng 70 loài lan Vani, hầu hết mọc ở vùng nhiệt đới. Tính đến thời điểm hiện tại, Vanilla shenzhenica là loài lan Vani thứ năm được ghi nhận ở Việt Nam sau 4 loài Vani không lá (Vanilla aphylla), Vani trắng (Vanilla albida), Vani trung bộ (Vanilla annamica) và Vani pierre (Vanilla pierrei) được GS. Phạm Hoàng Hộ ghi nhận(1993).
Theo Thiên Nhiên