Hoa lạ – hoa đẹp >>
Hoa leo – hoa rủ >>
1. Cây nắp ấm ăn thịt chuột
Cây nắp ấm Nepenthes attenboroughii
Cây nắp ấm (Nepenthes) có tới 140 phân loài, thường mọc ở những vùng núi cao. Nepenthes attenboroughii mọc trên đỉnh núi Victoria, ở miền Trung Palawan, Philippines; Nepenthes spathulata được tìm thấy trên các hòn đảo thuộc Java và Sumatra của Indonesia; Nepenthes northiana phổ biến ở đảo Borneo, Indonesia… Cây nắp ấm được xem là loài cây ăn thịt lớn nhất. Chúng có thể cao đến hơn 5m với những chiếc lá hình cái bình rộng khoảng 30cm có nắp.
Một con chuột không may là nạn nhân của cây nắp ấm Nepenthes northiana
Cây nắp ấm lấy chất dinh dưỡng bằng cách bẫy và tiêu hóa con mồi. Vì vậy, chúng thường có màu sắc sặc sỡ để thu hút con mồi. Con mồi của loài cây kỳ lạ này là rết, nhện, cả ếch và chuột. Khi con mồi rơi vào lá, cái nắp ấm sẽ đóng lại để nó không thể thoát ra. Con mồi sẽ giãy dụa rồi kiệt sức. Sau đó, cây nắp ấm sẽ tiết ra axit và các enzyme tiêu hóa chúng.
2. Cây bẫy ruồi bắt côn trùng cực siêu
Cây bẫy ruồi bắt con mồi
Cây bẫy ruồi (Venus flytrap) là loài cây ăn thịt côn trùng mọc tại những vùng lầy lội ở Bắc và Nam Carolina, Hoa Kỳ. Cây bắt ruồi có những chiếc lá hình dáng kỳ lạ gồm hai mảnh có khớp nối với nhau. Mép lá có gai nhọn trông giống như những ngón tay và rất nhạy cảm. Bất cứ thứ gì chạm vào những chiếc gai thì lá cây sẽ đóng lại trong vòng chưa đầy một giây giống như một cái bẫy. Con mồi của nó chủ yếu là côn trùng: ruồi, nhện, ong… Nếu đối tượng không phải là “thực phẩm” mà là một hòn đá hoặc một cái hạt thì cái bẫy sẽ mở lại trong khoảng 12 giờ và “nhổ” nó ra.
Khi con mồi rơi vào bẫy, cây sẽ tiết ra dịch tiêu hóa biến chúng thành chất dinh dưỡng nuôi cây. Quá trình tiêu hóa diễn ra trong khoảng 5-12 ngày. Sau đó cái bẫy sẽ mở ra, tiếp tục quá trình thu hút côn trùng. Tuy nhiên, mỗi cái bẫy chỉ bắt khoảng 3 con mồi rồi chúng sẽ héo và thối rữa, rụng đi như lá cây thông thường. Những phần thịt mềm của côn trùng sẽ bị tiêu hóa hết còn phần vỏ cứng sẽ bị gió thổi bay hoặc nước mưa cuốn trôi khi cái bẫy mở ra. Hiện nay, cây bẫy ruồi đang có nguy cơ tuyệt chủng vì nhiều người thích sưu tầm chúng.
3. Cây rắn hổ mang
Cây rắn hổ mang (Cobra Lily) phân bố chủ yếu ở phía Bắc California và phía Nam Oregon, Mỹ. Chúng thường mọc ở những vùng đầm lầy và nơi ẩm uớt giống như rêu. Nếu môi trường thuận lợi, loài cây này có thể đạt kích thước lớn nhất tới hơn 2m. Loại cây này được gọi là rắn hổ mang vì lá của chúng có hình dáng giống như những con rắn hổ mang với cái lưỡi dài lè ra ngoài.
Lá cây chính là một cái bẫy, tiết ra mùi hương quyến rũ thu hút ruồi, muỗi và các con côn trùng khác. Khi côn trùng bị nhử vào cái bẫy, chúng sẽ tìm mọi cách thoát ra. Tuy nhiên lá cây uốn cong và trơn khiến con mồi rất khó thoát thân. Khi con mồi mệt mỏi, chúng sẽ rơi xuống và cây sẽ tiết ra một loại nước dìm chết côn trùng. Sau đó, con mồi sẽ bị phân huỷ bởi các vi khuẩn và vi sinh vật. Chất dinh dưỡng sẽ được hoà quyện với nước giúp cây rắn hổ mang dễ hấp thụ để phát triển.
Theo Trí Thức Trẻ