Chế phẩm sinh học giữ ẩm cho đất

        Viện Công nghệ Sinh học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu và sản xuất thành công chế phẩm sinh học giữ ẩm cho đất có tên là Lipomycin-M.

Màng trồng cây vườn trên mái >>
Phụ kiện >>


        Thành phần chính là của Lipomycin-M là chủng nấm men Lipomyces PT7.1 được phân lập từ vùng đất trống đồi trọc ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, có ưu điểm là có khả năng tạo màng nhầy trong điều kiện đất khô hạn, giúp giảm thoát nước nên hỗ trợ tốt cho việc phủ xanh đất trống đồi trọc. Đây được xem là một giải pháp bền vững cho môi trường sinh thái.

Chế phẩm sinh học giữ ẩm cho đất | hoala.vn
 

        Phó Giáo sư Tống Kim Thuần, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, sử dụng chế phẩm này rất đơn giản, chỉ cần bón Lipomycin-M quanh gốc cây với liều lượng vừa phải, rồi lấp một lớp đất lên. Đối với vùng khô hạn không có nước tưới thì phải bón chế phẩm vào cuối mùa khô hoặc đầu mùa mưa. Trong điều kiện không mưa, nấm men sinh trưởng chậm và có thể tồn tại suốt mùa khô dưới dạng nang bào tử. Khi mùa mưa đến, bào tử nảy chồi và sinh sôi nảy nở tạo màng nhày có tác dụng làm giảm sự bốc thoát hơi nước, tăng khả năng giữ nước của đất, duy trì độ ẩm cho đất trong điều kiện địa hình không có nước tưới thời gian dài, góp phần nâng cao tỷ lệ sống của cây trồng. Việc bón Lipomycin-M tương tự như cho cây uống thuốc, tức là phải bón nhắc lại sau một thời gian nhất định.

        Theo Tiến sĩ Thuần, hiện nay nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, trong khuôn khổ trang trại thí nghiệm tại Mê Linh (Vĩnh Phúc), nhưng đã cho kết quả rất tốt. Khả năng giữ nước từ 8 đến 12% đối với một số loại cây nhỏ như cây thuốc nam, cây trồng trong vườn ươm. Đặc biệt, chế phẩm này nếu trộn với phân NPK thì hiệu quả giữ ẩm sẽ tăng thêm 15 - 30% so với bón riêng rẽ. Ngoài ra, vi sinh Lipomycin-M còn có nhiều đặc tính quý khác là không gây hại cho hệ vi sinh vật đất, động vật đất cũng như đối với môi trường sinh thái; đồng thời không gây độc hại cho cây trồng.

        Tuy nhiên, nghiên cứu chưa mở rộng đến những loại cây lớn hoặc cây công nghiệp (như tiêu, điều...). Chính vì vậy, tiến sĩ Thuần cho biết mục tiêu sắp tới của nghiên cứu là hoàn thiện quy trình nghiên cứu, xem chế phẩm phù hợp với loại đất, cây trồng nào, ở độ sâu và liều lượng bao nhiêu. Ngoài ra, không phải cứ bón chế phẩm xuống đất là không phải tưới nước nữa, mà chỉ giảm số lần tưới, ví dụ từ 5 lần xuống 3 lần, mà thôi.

        Liên hệ: Phó giáo sư Tiến sĩ Tống Kim Thuần, Trưởng phòng Các chất có hoạt tính sinh học từ vi sinh vật, Viện Công nghệ sinh học. Điện thoại: 04 7564333, ext 1117.
 

Theo vnexpress.net

Top keywords Giá thể | Hoa tết | hoa anh đào | tree rose | chậu hoa treo | Cây hoa giống | Hạt giống | Xơ dừa | Cây văn phòng | Hoa trồng chậu | Hoa tử đằng | Cây cảnh phong thủy theo mệnh | Vườn trên mái | hoa hồng leo | Hoa leo | hoa dạ yến thảo | Dụng cụ làm vườn | kệ sắt mỹ thuật | Cây bóng mát | Hoa đẹp
Top