Không ai có thể phủ nhận được vẻ đẹp của những đóa hồng. Tuy nhiên, để 1 nụ hồng có thể khoe sắc rực rỡ cần cả 1 quá trình chăm sóc tỉ mỉ. Một trong số những vấn đề quan trọng cần lưu tâm nhất trong suốt quá trình đó chính là việc phòng trừ sâu bệnh. Hôm nay, Hoala.vn sẽ giúp bạn nhận biết dấu hiệu của bệnh chết thân trên cây hoa hồng và cách phòng trừ loại bệnh nguy hiểm này
1. Nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh chết thân trên cây hoa hồng
Nguyên nhân của bệnh chết thân:
Không giống với những bệnh thông thường, chết thân trên hoa hồng do 1 chủng virút ngoại lai có tên Verticillium albo-atrum gây ra. Hiện tại, ở Việt Nam, chưa có bất cứ công bố chính thức nào về loại virút này. Chính vì lý do đó việc nhận biết và phòng trừ bệnh chết thân là tương đối khó khăn với những người trồng và chăm sóc cây hoa hồng.
1 nhánh hồng bị nhiễm bệnh chết thân
Chủng virút này tồn tại và ẩn náu nhiều năm trong đất. Khi sử dụng các loại đất có chứa mầm bệnh để trồng cây, virút Verticillium albo-atrum sẽ xâm nhập vào các rễ non hoặc những vết hở trên rễ. Sau đó, chúng nhanh chóng lan vào mạch gỗ của cây, làm cản trở khả năng hấp thụ và truyền nước tới cuống lá, gây ra hiện tượng héo cục bộ.
Những dấu hiệu nhận biết của bệnh:
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất bằng mắt thường khi cây hoa hồng bị nhiễm virút chết thân chính là hiện tượng héo cục bộ. Khi virút xâm nhập và lan rộng trong 1 nhánh thân nào đó, các lá sẽ đột ngột bị héo rũ dù vẫn còn xanh.
Các lá héo khô chuyển màu nâu đen
Sau đó các virút Verticillium albo-atrum âm thầm phát triển sâu bên trong thân, gây ra những vệt nâu dài dọc thêo mạch gỗ. Bạn chỉ có thể nhận ra dấu hiệu này khi vô tình cắt ngang thân cây.
Virút phát triển mạnh khiến thân cây chuyển màu nâu đen
Khi bệnh tiến triển nặng hơn, các vệt thâm không chỉ xuất hiện trong thân mà còn lan ra cả vỏ ngoài của cây. Lúc này, thân cây, nhánh cây chuyển từ màu xanh thẫm sang nâu đậm. Các lá khô héo, không thể phục hồi. Cả đoạn thân nhiễm bệnh cũng khô lại rồi lụi tàn. Nếu không nhanh chóng cắt bỏ và bôi thuốc kịp thời, bệnh sẽ nhanh chóng lan ra cả cây.
Bệnh chết thân có thể lây nhiễm qua đường nước tưới và đất trồng. Nếu tưới nước và trồng cây bằng đất và nước chứa mầm bệnh, các cây có thể đồng loạt bị nhiễm virút và chết dần.
Ngoài ra, nếu bạn nhân giống hoa hồng bằng phương pháp giâm cành và ghép mắt cũng cần thận trọng với loại bệnh này. Vì nếu cây giống không sạch bệnh, rất có thể các cây con nhân giống từ nó cũng có nguy cơ nhiễm bệnh.
Biểu hiện của bệnh chết thân
Hơn nữa, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm tại Việt Nam cũng là điều kiện thuận lợi cho loại virút này phát triển. Tại Việt Nam, bệnh chết thân trên cây hoa hồng thường xuất hiện tại miền Bắc, nơi có nhiệt độ mùa đông giảm sâu. Tuy vậy, bệnh chết thân thường không xuất hiện trên cây hồng tầm xuân mà thường phát triển mạnh trên các giống hồng ngoại.
2. Cách phòng trừ bệnh chết thân trên cây hoa hồng
Muốn cây hoa hồng không nhiễm bệnh, người trồng nên kiểm soát tốt nguồn nước tưới và đất trồng. Nên tưới nước cho cây từ nguồn nước sạch. Chọn lựa những loại đất thịt, đã qua canh tác lâu năm.
Nếu cây nhiễm bệnh bạn có thể sử dụng 2 loại thuốc bảo vệ thực vật là Score 250EC và Agri – Fos 400 (phosphonate) để chữa trị cho cây.
Đối với những nhánh bị khô đen, bạn nên cắt bỏ toàn bộ, sau đó chấm phần chưa nhiễm bệnh vào dung dịch thuốc Score 250EC pha theo tỉ lệ ghi trên bao bì. Đối với những cây hồng lớn, bệnh lan rộng trên nhiều nhánh, bạn cần sử dụng thuốc Agri – Fos 400 (phosphonate) phun trực tiếp lên cây. Loại thuốc này có đặc tính kích thích hệ thống đề kháng của cây từ đó giúp tiêu diệt những mầm bệnh ẩn sâu trong mạch gỗ.