Để sở hữu một cây hoa hồng có sức sống mãnh liệt, cho hoa đẹp và dày cánh, ngoài việc chọn lựa giống tốt, bạn yêu hoa cũng cần trồng và chăm sóc cây đúng cách. Một trong những yếu tố quyết định đến sự sinh trưởng và phát triển của cây hoa hồng mà bạn cần quan tâm chính là ánh nắng mặt trời.
– Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa hồng leo
– Hướng dẫn cách trồng cây trong bồn chậu
1. Vai trò của ánh nắng với sự sinh trưởng và phát triển của cây hoa hồng
– Vai trò của ánh nắng đối với sự ra hoa của cây hoa hồng
Hoa hồng là cây rễ chùm, thân hóa gỗ. Cây mọc thành bụi hoặc theo dạng leo rủ tùy giống. Cây hoa hồng là cây ưa sáng. Do vậy, muốn cây phát triển bình thường, bạn cần cung cấp cho cây một lượng ánh nắng thích hợp.
Có hai thành tố của ánh nắng mặt trời tác động trực tiếp tới sự sinh trưởng và phát triển của cây hoa hồng nói riêng và các loại thực vật nói chung đó là : Cường độ ánh sáng và độ dài ngày hay gọi là quang kỳ.
Cường độ ánh sáng là lượng năng lượng mà mặt trời phát ra chiếu xuống 1 đơn vị diện tích đất trồng vuông góc với phương truyền của ánh sáng trong một đơn vị thời gian nhất định. Cường độ ánh sáng ảnh hưởng trực tiếp tới sự quang hợp của cây hoa hồng theo quá trình sau
Ánh sáng cung cấp năng lượng cho toàn bộ quá trình quang hợp. Thông thường, cường độ quang hợp tỉ lệ thuận với cường độ ánh sáng cho đến khi đạt đến điểm bão hòa ( điểm mà ở đó cường độ ánh sáng tăng nhưng không làm cường độ quang hợp tăng). Đồng thời, với cường độ ánh sáng quá yếu, sự quang hợp không xảy ra, cây không tổng hợp được các chất dinh dưỡng cần thiết.
Độ dài ngày (quang kỳ) là số giờ trong một ngày có ánh nắng chiếu vào cây tính từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Độ dài ngày có tác động trực tiếp tới giai đoạn cây chuyển từ trạng thái tăng trưởng sang giai đoạn sinh sản hay còn gọi là giai đoạn ra hoa. Dựa và độ dài ngày mà cây trồng được chia làm 3 loại chính: cây ngày dài (quang kỳ dài), cây ngày ngắn (quang kỳ ngắn) và cây trung gian (không có quang kỳ). Cây hoa hồng thuộc giống cây quang kỳ dài. Do vậy, cây hoa hồng thường cho hoa khi thời gian chiếu sáng lớn hơn 12 tiếng một ngày.
– Vai trò của ánh nắng mặt trời trong việc tiêu diệt các vi sinh vật có hại cho cây.
Ánh sáng mặt trời cùng với nhiệt năng của nó cũng có tác dụng diệt trừ nhiều vi sinh vật có hại cho cây. Hầu hết những vi sinh vật sinh trưởng trên bề mặt đất đều bị ánh nắng mặt trời tiêu diệt chỉ sau vài phút đến 1 giờ. Đồng thời, ánh nắng mặt trời cũng khiến cho hơi ẩm trong không khí bốc hơi 1 phần khiến các vi sinh vật có hại không có môi trường thích hợp để sinh sôi.
2. Biểu hiện của cây hoa hồng thiếu nắng và cách khắc phục
– Biểu hiện của cây hoa hồng thiếu nắng
Khi thiếu nắng, cây hoa hồng thường có các biểu hiện sau: Sắc lá chuyển từ xanh đậm sang xanh non hoặc vàng vọt do không tổng hợp đủ diệp lục; các cành phát triển dài nhưng còi cọc, yếu ớt, ít chồi, ít lá; cây không ra hoa, hoặc cho hoa nhỏ thưa cánh.
Ngược lại, nếu đặt cây tại nơi có cường độ ánh sáng quá mạnh, cây sẽ bị cháy lá, chột mầm.
– Cách điều tiết ánh nắng mặt trời phù hợp với cây hoa hồng
Sau đây là một số cách điều tiết ánh nắng mặt trời phù hợp cho cây hoa hồng:
Nếu nơi bạn trồng cây ở nơi ánh nắng có cường độ yếu và số giờ chiếu sáng ít hơn 6 tiếng 1 ngày, cách tốt nhất là di chuyển cây tới nơi khác có lượng ánh sáng dồi dào hơn. Nếu không thể di chuyển sang vị trí khác, bạn nên trồng hoa hồng thành các hàng dọc theo hướng mặt trời di chuyển (từ hướng Đông sang hướng Tây).
Khoảng cách giữa các cây cũng rất quan trọng, cần lưu ý bố trí các cây cách nhau từ 0,5 đến 1m tùy kích thước cây sao mỗi cây đều có không gian để đón nắng riêng.
Nếu nơi bạn trồng cây, cường độ ánh sáng và số giờ chiếu sáng quá lớn, bạn có thể kết hợp trồng một số cây bóng mát xen kẽ với cây hoa hồng để lượng ánh sáng giảm đi tránh tình trạng cháy lá, khô gốc.
– Điều kiện ánh nắng mặt trời lý tưởng cho cây hoa hồng sinh trưởng và phát triển
Để xác định được đâu là nơi có điều kiện ánh nắng lý tưởng nhất cho cây hoa hồng sinh trưởng và phát triển bạn có thể dựa vào số giờ chiếu sáng liên tiếp trong một ngày vào mùa hè. Những nơi có ánh nắng trực tiếp từ 6 – 9 tiếng liên tục sẽ là nơi thích hợp nhất cho cây hoa hồng. Bởi lẽ, những khoảng không gian này kể cả khi chuyển sang mùa đông sẽ là nơi nhận được lượng ánh nắng và cường độ ánh nắng tốt nhất trong vườn.
Ngoài ra để cây hoa hồng phát triển ổn định và cho hoa chuẩn phom yêu cầu độ ẩm đất phải đạt từ 60 đến 70% nhiệt độ thích hợp từ 18-250 C
Có thể nói ánh nắng mặt trời là một trong những yếu tố ngoại cảnh có vai trò quan trọng nhất trong việc phát triển và đơm hoa của cây hoa hồng. Từ việc nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của ánh nắng mặt trời, bạn yêu hoa sẽ có những lưu ý cho riêng mình để giúp cây phát triển tốt hơn.