hoala.vn- Cây Én bach có dạng hoa đặc sắc nên thường được gây trồng làm cảnh nơi bãi cỏ rộng hay trong chậu lớn.
Hoa lạ – hoa đẹp >>
Hoa leo – hoa rủ >>
Tên phổ thông: Bướm bạc phi, én bạc, bướm bướm, hoa bướm, ngọc diệp kim hoa, bứa chừa (Thái)
Tên khoa học: Mussaenda frondosa
Họ thực vật: Rubiaceae (Cà phê).
Nguồn gốc xuất xứ: Ấn Độ.
Phân bố ở Việt Nam: Rộng khắp
|
Đặc điểm hình thái:
Thân, Tán, Lá: Cây gỗ nhỏ có thể cao đến 7m, dạng bụi, cành nhánh nhiều, cành non có lông. Lá bầu dục thuôn, có khi hình ngọn giáo ngược, nhọn và tròn ở gốc, nhọn thành đuôi ở chóp, dài 8-15cm, rộng 3-5cm, màu lục sẫm ở trên, màu sáng hơn ở dưới, mỏng, dai.
Hoa, Qủa, Hạt:
Cụm hoa hình xim ngù, mọc ở đầu cành. Hoa màu vàng, có 5 lá đài. Trong số 5 lá đài, có 1 lá phát triển thành bản lớn, màu trắng có cuống dài, nên người ta thường tưởng lầm rằng đó là cánh hoa màu trắng. Giữa những trùm lá trắng đó, có những hoa màu vàng, nhìn từ xa như đàn bướm trắng đang bâu vào chùm hoa, nên mới có tên là “bướm bạc”. Do có hoa vàng, lá trắng, nên còn gọi có tên là “ngọc diệp kim hoa” (“ngọc diệp” = lá trắng như ngọc, “kim hoa” = hoa vàng). Cây có quả mọng, dài 6-9mm, rộng 6-7mm, màu đen, có gân dọc trên quả, nhẵn, với rất nhiều hạt nhỏ, màu đen, mặt hình mạng.
Đặc điểm sinh lý, sinh thái:
Tốc độ sinh trưởng: Nhanh.
Phù hợp với: Cây ưa sáng, chịu được khô và nóng, ít đòi hỏi đất đai.
Cây trồng chủ yếu bằng hạt, hay cành ươm dễ dàng. Cây mọc khỏe
Tác dụng chữa bệnh của cây Bướm bạc
Bộ phận dùng làm thuốc: Thân, vỏ, cành, lá và rễ đều có thể sử dụng làm thuốc. Thu hái về phơi hay sấy khô, bảo quản nơi khô thoáng dùng dần, nói chung không phải chế biến gì khác.
Ngoài cây bướm bạc Mussaenda pubescens nói trên, dân gian còn dùng nhiều loài Mussaenda khác, cũng mang tên “bướm bạc” như “bướm bạc quả nang” (Mussaenda dehiscens Craib), “bướm bạch Camphuchia” (Mussaenda cambodiana Pierre), … với cùng tác dụng.
Theo Đông y: Bướm bạc có vị hơi ngọt, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải biểu, khai uất, hòa lý, tiêu viêm. Tại Việt Nam ta, dân gian thường dùng làm thuốc giảm đau, chữa tê thấp, chữa ho, bạch đới. Tại Trung Quốc, thường dùng chữa cảm mạo, sổ mũi, say nắng, viêm khí quản, sưng amiđan, viêm hầu họng; viêm thận phù thũng, viêm ruột ỉa chảy; chảy máu tử cung; rắn cắn; viêm mủ da. Liều dùng 15-30g dạng thuốc sắc.
Xin giới thiệu một số bài thuốc có sử dụng bướm bạc:
(1) Phòng ngừa say nắng: Dùng bướm bạc 60-90g; sắc nước uống như trà.
(2) Cảm mạo, say nắng: Dùng một nắm lá bướm bạc (30g); sắc uống. Hoặc dùng lá khô, hãm nước sôi uống như trà. Nếu là say nắng nặng, toát nhiều mồ hôi: Dùng 100g lá, nấu với 2 lít nước; dùng nước còn nóng, pha với trà đậm, thêm đường, uống nhiều lần.
(3) Chữa sốt mùa hè đến giai đoạn hôn mê, khô khát, táo bón, đái sẻn, tân dịch khô kiệt: Dùng rễ bướm bạc 60g, hành tăm 20g (đều sao vàng); sắc uống 1 thang thì đại tiểu tiện thông lợi, sốt lui, nuốt được. Thông thường, uống hết thang thứ hai thì tỉnh, ba thang thì hết sốt, ăn uống được.
(4) Sưng amiđan, ho, sốt: Dùng bướm bạc 30g, huyền sâm 20g, rễ bọ mẩy 10g; sắc nước uống.
(5) Chữa phong thấp khớp xương đau nhức: Rễ bướm bạc 10-20g; sắc uống. Hoặc dùng cành và rễ bướm bạc 30g, cốt toái bổ 30g, thổ phục linh 30g, thiên niên kiện 30g, bạch chỉ 20g; sắc uống; đồng thời dùng lá tươi giã đắp nơi sưng đau.
(6) Phù, giảm niệu do viêm thận: Dùng thân bướm bạc 30g (hoặc cành lá 40g), dây kim ngân tươi 20g, mã đề 30g; sắc nước uống.
7) Chữa khí hư bạch đới: Rễ bướm bạc 10-20g; sắc uống.
(8) Viêm lở da: Lá bướm bạc tươi, lá mướp tươi; giã đắp.
Sản phẩm hoa Bướm bạc >>